Ngày 02.04.2022, tại buổi Họp báo giới thiệu Triển lãm Quốc tế Hàng Không Việt Nam 2022, ông Nguyễn Phước Thắng – Trưởng phòng khoa học công nghệ môi trường, Cục Hàng không Việt Nam đã có bài phát biểu chia sẻ định hướng của Cục Hàng Không đối với sự phát triển của ngành đặc biệt trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0
Ông cho biết: “Đầu tiên là số 25 – một con sốrất quan trọng và ý nghĩa. Đó là Hàng không dân dụng Việt Nam đã 25 năm liên tục bảo đảm tuyệt đối an toàn, không để xảy ra tai nạn gây thiệt hại về người. Đây là con số có ý nghĩa rất lớn nếu quý vị quan sát những số liệu của Hàng không thế giới trong những năm qua. Tiếp theo là số 1. Bảo đảm an toàn là ưu tiên số 1 của Hàng không Việt Nam. Đối với Hàng không Việt Nam không được phép để xảy ra dù chỉ 1 sai sót nhỏ. Vì chỉ 1 sai sót nhỏ có thể uy hiếp an toàn Hàng không”.

Ông Nguyễn Phước Thắng – Trưởng phòng KHCN và Môi trường – Cục Hàng Không Việt Nam
Năm 2019, với sự hỗ trợ của Boeing, Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) đã công nhận Cục Hàng không Việt Nam đạt mức 1 về an toàn CAT1 theo tiêu chuẩn của Cục Hàng không liên bang Mỹ. Đây là tiền đề hết sức quan trọng để các hãng Hàng không Việt Nam có thể khai thác thương mại thẳng tới Hoa Kỳ và là một yếu tố khẳng định rõ Hàng không Việt Nam đã ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại để đạt được mức độ cao nhất về giám sát an toàn Hàng không.
Trong giai đoạn tiếp theo, định hướng ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ cho bảo đảm an ninh, an toàn, phát triển bền vững của ngành Hàng không dân dụng sẽ có 1 số định hướng cụ thể như sau:
- Phát triển đội tàu bay hiện đại với cơ cấu hợp lý, phù hợp với quy hoạch, dự báo phát triển thị trường, năng lực của hãng Hàng không và kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng Hàng không.
- Nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng dịch vụ ngang tầm khu vực và quốc tế; gắn kết chặt chẽ, hợp lý với các phương thức vận tải khác; phát triển vận tải đa phương thức và các trung tâm dịch vụ logistic tại các cảng hàng không cửa ngõ quốc tế.
- Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống giám sát của Nhà chức trách Hàng không về lĩnh vực quản lý hoạt động bay với đầy đủ 7 chuyên ngành đáp ứng yêu cầu và quy định của ICAO. Thiết lập và khai thác có hiệu quả hệ thống quản lý luồng không lưu phù hợp với kế hoạch của ICAO khu vực; tổ chức nghiên cứu, thiết lập mạng quản lý hệ thống thông tin diện rộng làm cơ sở quản lý kết nối các mạng kỹ thuật chuyên ngành hàng không. Đưa các phương thức bay theo công nghệ dẫn đường theo tính năng trở thành phương thức chủ yếu tại tất cả các cảng hàng không sân bay và phương thức điều hành bay sử dụng giám sát ATS trong vùng trời sân bay với tiêu chuẩn phân cách tối ưu nhất. Tổ chức áp dụng hiệu quả các công nghệ kỹ thuật mới về thông tin, dẫn đường, giám sát, khí tượng, thông báo tin tức hàng không và tìm kiếm cứu nạn; thiết lập đội bay hiệu chuẩn riêng đủ năng lực bay hiệu chuẩn tất cả hệ thống trang thiết bị và đánh giá phương thức bay. Hoàn thành việc thực hiện Kế hoạch phát triển tổng thể hệ thống CNS/ATM HKDD Việt Nam.
- Hoàn thành việc triển khai A-CDM tại 03 Cảng Hàng không lớn là Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng và tiếp tục triển khai đến các Cảng Hàng không khác; thực hiện việc hiện đại hóa đồng bộ, áp dụng công nghệ tiên tiến vào hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.
- Chú trọng việc tổ chức các hội nghị, hội thảo giới thiệu và trình diễn các sản phẩm công nghệ mới để làm cầu nối giữa các nhà khoa học nghiên cứu thiết kế chế tạo, các doanh nghiệp với những người sử dụng phát triển các sản phẩm công nghệ hàng không trong nước, qua đó thu hút các doanh nghiệp sản xuất cấu kiện hàng không tại Việt Nam góp phần nâng cao khả năng đảm bảo an toàn trong hoạt động hàng không.
- Về chuyển đổi số trong Ngành hàng không dân dụng: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với các nền tảng cốt lõi là: Dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật là cơ sở cho nhiều quá trình chuyển đổi có tính chất cách mạng trên toàn cầu trong đó chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi trọng tâm và cốt lõi. Việt Nam nói chung và Ngành HKDDVN nói riêng cũng không thể nằm ngoài lộ trình phát triển và chuyển đổi này. Trong những năm vừa qua, chuyển đổi số phục vụ yêu cầu của công tác chỉ đạo, điều hành và phát triển bền vững của Ngành Hàng không dân dung Việt Nam luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt được Đảng uỷ Cục HKVN quan tâm đặc biệt và tập trung chỉ đạo nhằm tạo ra những thay đổi mạnh mẽ góp phần xây dựng Ngành, xây dựng đất nước hùng cường và phồn vinh. Chuyển đổi số trong Ngành HKDDVN sẽ có các nhiệm vụ cơ bản sau đây: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống CSDL dùng chung chuyên ngành hàng không, Chuyển đổi hạ tầng từ mô hình cứng dạng vật lý sang mô hình đám mây, Xây dựng hệ thống phần mềm chuyên dụng đáp ứng yêu cầu quản lý và điều hành, Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và tái cơ cấu bộ máy.
Chúng ta có thể hình dung các đơn vị quản lý phi công, tiếp viên sẽ trực tiếp sử dụng smartphone có cài đặt ứng dụng để cập nhật về từng phi công, tiếp viên do đơn vị mình đang quản lý, các dữ liệu về nhân thân, về hồ sơ công việc, vị trí làm việc; các đơn vị của quản lý bay sẽ cập nhật dữ liệu về kiểm soát viên không lưu, về từng hệ thống trang thiết bị bảo đảm kỹ thuật đang hoạt động, từng cảng hk, sân bay sẽ cập nhật hồ sơ về nhân viên an ninh hàng không, về hạ tầng sân bay… Giám sát viên an ninh, an toàn các lĩnh vực của Cục HKVN trên cơ sở đó sẽ nhập dữ liệu đánh giá cụ thể trong phạm vi kiểm tra, giám sát. Lãnh đạo Bộ GTVT, lãnh đạo Cục HKVN sẽ nắm được thông tin, số liệu cụ thể, được cập nhật liên tục về các vấn đề cần quan tâm như: Hiện tại có bao nhiêu phi công nước ngoài phục vụ cho các đội bay của các Hãng HKVN, quốc tịch nào, kinh nghiệm, bằng cấp như thế nào; có bao nhiêu kiểm soát viên không lưu tới thời gian kiểm tra cấp giấy phép hành nghề trong đợt gần nhất, hay số lượng FOD thường xuất hiện nhiều tại Cảng HK nào, các vụ va quệt trong khu bay thường diễn ra vào khung giờ nào; hay hiện nay có bao nhiêu thiết bị phát sóng VHF tầm xa phục vụ công tác điều hành bay được cài đặt trên các tần số nào, bao nhiêu thiết bị Main, bao nhiêu thiết bị standby, biến đổi khí hậu ảnh hưởng như thế nào tới từng cảng HKSB, khu vực nào, cảng HK nào hay kết cấu hạ tầng nào thường chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu… Mọi thông số đều có thể được truy cập, đưa ra nhằm mục đích dự báo, đánh giá, phục vụ công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành, đánh giá rủi ro an toàn an ninh, xây dựng quy hoạch bảo đảm an toàn, chính xác, hiệu quả, lâu dài.

Đại biểu tham dự Họp báo Triển lãm Hàng Không
Trên nền tảng của việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm bảo đảm an toàn Hàng không trong tương lai, thị trường hàng không Việt Nam sẽ có những bước phát triển với quy mô như thế nào:
- Thị trường Hàng không sau đại dịch Covid dự báo sẽ duy trì lại mức tăng trưởng 8 – 10% năm về hành khách và 10 – 12% về hàng hóa; xây dựng đội tàu bay trẻ, tiên tiến với trên 400 chiếc.
- Nâng mức độ triển khai hiệu quả (EI) công tác giám sát an toàn, an ninh đạt 80 – 90 %.
- Đảm bảo năng lực điều hành bay từ 2,5 – 3 triệu chuyến/năm.
- Nâng cao năng lực khai thác của hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc từ 91 triệu lên 180-200 triệu hành khách vào năm 2025, trong đó tập trung ưu tiên nâng cao năng lực các Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ. Năm 2025, đưa Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác với vai trò là Cảng hàng không quốc tế trung chuyển đầu tiên của Việt Nam và cảng hàng không trung chuyển lớn của khu vực.
- Phấn đấu đến năm 2025 trở thành thành viên Hội đồng ICAO.
Riêng đối với ngành hàng không Việt Nam nói chung và các hãng hàng không Việt Nam nói riêng thì đối tượng khách du lịch là đối tượng khách chính đi lại bằng đường hàng không, đối tượng khách này chiếm khoảng 70-80% nguồn khách. Thời điểm trước dịch Covid-19 bùng phát, theo thống kê của Cục HKVN các thị trường hàng không lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga thì nguồn khách chủ yếu là khách du lịch, đặc biệt như thị trường Trung Quốc với tỷ lệ khách du lịch lên đến khoảng hơn 90%. Hiện tại, khi thị trường hàng không mở cửa trở lại, các đường bay quốc tế được khôi phục thì các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài cũng chỉ khai thác với tần suất hạn chế do nhu cầu đi lại của hành khách chưa cao, chủ yếu là khách công vụ.
Đối với thị trường nội địa, trong khoảng thời gian bắt đầu từ cuối tháng 5 đến hết tháng 8 hàng năm, các hãng hàng không Việt Nam sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực đội tàu bay tăng chuyến chủ yếu trên các đường bay du lịch. Như vậy, có thể thấy nguồn khách du lịch đóng vai trò chủ đạo, phát triển song hành cùng với ngành hàng không.
Tàu bay khai thác tại Việt Nam phải được Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) hoặc Cơ quan an toàn hàng không Châu Âu (EASA) cấp Chứng chỉ loại tàu bay (Type Certificate), phù hợp với tiêu chuẩn và năng lực của kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay.
Về hạ tầng cảng hàng không Việt Nam tại các địa phương nơi có các địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều khách tham quan trong và ngoài nước thì đều đã có thể tiếp nhận các chủng loại tàu bay phổ thông hiện đang được khai thác trên thế giới như chủng loại tàu bay thân hẹn, khai thác tầm trung như A320/321/B737 hoặc tương đương và chủng loại tàu bay thân rộng, khai thác các đường bay dài như A330/350/B777/787 hoặc tương đương.
Đối với cảng hàng không đặc thù chỉ khai thác được chủng loại tàu bay nhỏ ATR72/E190/E195 hoặc tương đương như Côn Đảo, Điện Biên… hiện đang xây dựng kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng hàng không để có thể tiếp nhận được loại tàu bay A320/321 hoặc tương đương.
Charter Airlines – Chúng ta đã mở rộng thị trường này chưa? Tại sao?
Loại hình các chuyến bay thuê chuyến hay các chuyến bay tư nhân đã phát triển ở Việt Nam từ những năm 2000 và phát triển mạnh từ 2010 cho đến nay khi có sự tham gia thị trường của các hãng hàng không tư nhân và các doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung có vốn góp từ khối tư nhân. Đến thời điểm hiện tại, có 06 doanh nghiệp được Bộ GTVT cấp Giấy phép kinh doanh hàng không chung Công ty CPHK Bầu trời xanh, Hành tinh xanh, Lưỡng dụng Ngôi sao việt, Hải Âu, Tổng công ty Trực thăng Việt Nam và mới đây là Công ty TNHH Sun Air cùng các hãng hàng không tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways và đặc biệt là Vietravel Airlines luôn sẵn sàng tham gia, phát triển hoạt động khai thác loại hình bay thuê chuyến.
Trước năm 2019, nhu cầu sử dụng tàu bay tư nhân, thuê chuyến còn chưa thực sự phát triển do chi phí cao và mạng đường bay nội địa, quốc tế được khai thác bởi các hãng hàng không thường lệ với tần suất lớn, đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy nhiên, kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khắp các nước trên thế giới thì nhu cầu sử dụng tàu bay cá nhân ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung tăng mạnh do hoạt động vận chuyển thường lệ sụt giảm, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của tổ chức và cá nhân có nhu cầu. Bên cạnh đó, việc tham gia giao thông công cộng bằng đường hàng không sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm Covid-19, do đó các cá nhân, tổ chức đã chuyển dần sang sử dụng dịch vụ các chuyến bay tư nhân nhằm hạn chế tiếp xúc, ngăn ngừa khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Trong giai đoạn từ năm 2020 cho đến nay, các doanh nghiệp kể trên đã đưa thêm vào Việt Nam 6 tàu bay các loại như Falcon, Gulfstream để phục vụ nhu cầu đi lại bằng tàu bay tư nhân của tổ chức và cá nhân Việt Nam.
Với định hướng phát triển cụ thể của Cục Hàng Không Việt Nam cùng với sứ mệnh nâng tầm Hàng Không Việt, Triển lãm Quốc tế Hàng Không Việt Nam 2022 sẽ là nơi kết nối, giao lưu hợp tác, xúc tiến thương mại giữa các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nhân, doanh nghiệp Hàng Không trong nước và quốc tếnhằm hiện thực hóa những ý tưởng, sáng kiến, định hướng, chiến lược của các nhà chính sách cũng như của các doanh nhân – doanh nghiệp yêu Hàng Không.