Hàng không là một ngành kinh tế mang sức mạnh chính trị và có giá trị liên kết giữa các lĩnh vực, khi Hàng Không phát triển kéo theo sự phát triển đồng loạt của các ngành như Logistics, Du lịch, Nhà hàng – Khách sạn, Cơ khí – Điện tử, Giáo dục – Đào tạo, Xây dựng,… Vì lẽ đó, ngành Hàng Không phải được hoạch định trở thành ngành kinh tế dẫn đầu, mang sứ mệnh truyền tải thông điệp quốc gia, để thu hút sự quan tâm – đầu tư nước ngoài.
Nhìn cách Singapore trở mình thành trung tâm Hàng Không của châu Á, thu hút hàng trăm doanh nghiệp, hàng ngàn lượt khách tham quan từ khắp các quốc gia và châu lục thông qua sự kiện Singapore Airshow được tổ chức mỗi 2 năm kể từ năm 2008, chính là một điển hình để chúng ta ngẫm nghĩ và từng bước thực hiện một sự kiện của ngành Hàng Không Việt Nam khi có sự hỗ trợ dồi dào từ những tiềm năng khác của đất nước. Dù có bề dày phát triển của lịch sử ngành Hàng Không dân dụng và những thành tích ấn tượng, nhưng ngành Hàng Không cần có một sự kiện trọng điểm để quy tụ và quảng bá cho những điều đã, đang và sẽ thực hiện. Đó chính là lý do để Triển lãm Quốc tế Hàng Không Việt Nam ra đời.

Bà Lương Thị Xuân – Giám đốc CTCP Triển lãm Hàng Không Việt Nam phát biểu tại Họp báo
Những tiềm năng nổi trội của đất nước hình chữ S
Với dân số gần 100 triệu người và đặc điểm dân số trong độ tuổi lao động chiếm hơn 69%, Việt Nam đang ở trong “kỷ nguyên dân số vàng” để tận dụng sự trẻ trung, năng động, nắm bắt và tiếp thu nhanh kiến thức mới, sự tiếp cận tư duy công nghệ hiện đại của giới trẻ hiện nay, nhằm phát triển một lực lượng lao động trình độ cao đáp ứng nhu cầu không chỉ riêng của ngành Hàng Không mà còn cho các ngành nghề khác. Đây cũng là một trong những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài.
Một sự hấp dẫn khác của đất nước hình chữ S chính là vị trí đắc địa cùng cảnh sắc thiên nhiên, địa điểm du lịch đa dạng từ núi rừng, biển đảo, sông nước. Những di sản thiên nhiên, văn hóa đã được thế giới công nhận trải dài trên mảnh đất Việt Nam là điểm đến cho những chuyến bay ngày càng nhộn nhịp. Du lịch là tài nguyên để Hàng không phục vụ và hàng không sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ cho du lịch. Một triển lãm hàng không quốc tế không chỉ dừng lại ở vai trò giao thương, xây dựng ngành mà còn ở tầm vóc quảng bá hình ảnh kinh tế, du lịch và quốc gia.
Nói riêng về ngành Hàng Không, tiềm năng phát triển của ngành được khẳng định qua những con số biết nói về mức tăng trưởng ấn tượng. Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Ông Đinh Việt Thắng, về thị trường, từ 2008 – 2019, ngành hàng không đã tăng trưởng 17,1% về hành khách và 13,8% về hàng hoá.
Dù trong 02 năm đại dịch, Hàng Không – Du Lịch là 2 ngành bị ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên, những sự kiện khai trương đường bay thẳng quốc tế mới, hay sự kiện ký kết hợp tác trong lĩnh vực hàng không giữa các doanh nghiệp quốc nội và quốc tế, cho thấy sự sẵn sàng khôi phục của ngành Hàng Không cũng như Du Lịch sau đại dịch.
Tương đương với sự phát triển là những nhu cầu cấp bách cần được thực hiện bài bản, nhanh chóng để đáp ứng kịp thời cho sự chuyển đổi này mà không để lỡ nhịp so với tốc độ tăng trưởng của thị trường.
Những nhu cầu cấp thiết cho sự phát triển của Hàng Không Việt Nam
Sự phát triển của ngành Hàng Không ngày nay không đơn thuần là “đi nhanh một mình”, mà là sự gắn kết, học hỏi và cộng hưởng cùng sự tân tiến của công nghệ, đặc biệt khi Hàng Không là ngành đòi hỏi sự tiến bộ về công nghệ ở tốc độ và công nghệ cao. Những năm gần đây, các quốc gia phát triển đã nhắc đến rất nhiều về công nghệ 4.0 (Trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn,…) và việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực hàng không như sản xuất linh kiện, nội thất máy bay, MRO (Bảo dưỡng, sửa chữa, vận hành), xây dựng và vận hành các cảng hàng không. Nhu cầu đào tạo nhân sự chuyên ngành hàng không được đặt ra sẽ là một khối lượng công việc rất lớn mà ngành Hàng không và đào tạo phải từng bước giải quyết.
Cùng với sự ra đời của các hãng hàng không là nhu cầu phát triển các cảng hàng không, sân bay, bãi đáp. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vừa ký tờ trình số 13883 đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. “Từng bước nâng cấp và khai thác có hiệu quả 22 cảng hàng không hiện hữu, đầu tư 6 cảng hàng không mới để nâng tổng số cảng hàng không của cả nước đưa vào khai thác lên 28 cảng hàng không. Tổng công suất thiết kế hệ thống cảng hàng không đáp ứng khoảng 283 triệu hành khách, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100km”, Bộ Giao thông vận tải.
Ngoài các nhu cầu về cơ sở hạ tầng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nhu cầu khai thác đa dạng các loại máy bay phục vụ đa ngành từ Du lịch, Nông nghiệp, Cá nhân, An ninh quốc phòng, Cứu nạn – cứu hộ là một thị trường còn đang sơ khai ở Việt Nam. Khi tỷ lệ dân số giàu ngày càng tăng, nhu cầu xê dịch riêng tư lớn chính là yếu tố để phát triển các mô hình dịch vụ bay VIP, bay cá nhân. Trong khi đó, nông nghiệp Việt Nam là lĩnh vực cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ – kỹ thuật tiên tiến công nghệ 4.0, thì việc áp dụng máy bay là một yếu tố góp phần gia tăng năng suất, hiện đại hóa ngành.
Phát biểu tại Họp báo giới thiệu Triển lãm Quốc tế Hàng Không Việt Nam ngày 02.04.2022, Bà Lương Thị Xuân – Giám đốc CTCP Triển lãm Hàng Không Việt Nam chia sẻ: “Hàng Không – lĩnh vực không chỉ dẫn đầu ngành kinh tế mà còn lĩnh vực có mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết các ngành. Do đó, sự phát triển của ngành sẽ thúc đẩy những hợp tác, kinh doanh, đầu tư cho những lĩnh vực liên quan khác. Sứ mệnh của Triển lãm Quốc tế Hàng Không Việt Nam chính là cầu nối trung tâm để quy tụ, kết nối những nhu cầu thiết thực, những thành tựu tiến bộ khoa học – kỹ thuật Hàng không của thế giới đến Việt Nam và ngược lại. Chúng ta cùng nhau nắm bắt những cơ hội mới để xây dựng đất nước và con người Việt Nam.”